Trà đạo
360 Nhật Bản xin gửi đến bạn đọc thông tin liên quan đến trà đạo Nhật Bản
Nghệ thuật trà đạo là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Từ không gian trà thất và các dụng cụ pha trà, phong cách Thiền (Zen) đến các nghi thức trong Chaji (Trà sự) đều góp phần tạo nên nghệ thuật tinh tế cho Trà Đạo.
Thiền trong trà đạo là sự sản sinh ra WABI và SABI – hai trạng thái tinh thần giúp tâm hồn thanh thản và tự làm chủ bản thân. Với tinh thần này, người tham gia Trà Đạo sẽ tĩnh tâm, thả hồn vào việc pha trà trong không gian thanh tịnh củaTrà Thất.
Trong trà đạo có câu “nhất kỳ nhất hội”. Câu này mang ý nghĩa là mọi cuộc gặp gỡ trong đời người chỉ diễn ra một lần nên chúng ta nên trân trọng cuộc gặp gỡ ấy, đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành để về sau không phải tiếc nuối. Nghệ thuật trà đạo đã phát triển từ tinh thần nhân văn như vậy.
Không gian của một buổi thưởng thức trà đạo có thể là ở một căn phòng truyền thống với chiếu tatami và cửa ra vào rất nhỏ. Đó chính là lí do vì sao các samurai ngày xưa phải để kiếm của mình ở ngoài trước khi vào trà thất.
Hoặc ở một căn phòng hướng ra khuôn viên vườn để người thưởng trà có thể hòa mình vào thiên nhiên.
Trà đạo Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc vào triều đại nhà Đường (618-907). Trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử, đến thời kì Azuchi-Momoyama, Sen no Rikyu đã tạo nên triết lý “Wabi” vốn là nguồn gốc của Trà Đạo hiện tại. Trà Đạo ngày nay có nhiều trường phái khác nhau, trong đó 3 trường phái chính là Omotesenke, Urasenke và Mushakoji-senke.
Tiệc trà trong Trà Đạo có nhiều loại:
+ Chaji: tiệc trà nhỏ, do chủ nhà tổ chức và người tham dự được mời trước với số lượng ít
+ Oyose: tiệc trà lớn có nhiều khách tham dự
+ Kenjo-Chaji: buổi dâng trà cho thần thánh, được tổ chức ở trước các đền chùa
+ Kuchikiri-Chaji: buổi tiệc trà đầu năm của các trường phái vào khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 (thời điểm năm mới trong thế giới Trà Đạo).
Thực hành trà đạo:
Nghệ thuật pha trà và các thủ pháp của nó được gọi là Tatemae. Tùy trường phái mà các bước thực hiện khác nhau nhưng tất cả đều tuân theo trình tự cơ bản sau:
1. Trước tiên là mời bánh khách dự tiệc trà.
2. Mang dụng cụ pha trà tới, làm sạch dụng cụ pha trà và làm ấm Chawan bằng nước sôi.
3. Tiếp theo, cho bột trà vào Chawan, rót nước sôi từ ấm đun, khuấy bằng dụng cụ gọi là Chasen để tạo bọt rồi mời khách.
Khách đặt chén trà vào lòng bàn tay trái, vừa xoay bằng tay phải, vừa uống.
TRẢI NGHIỆM NGHỆ THUẬT TRÀ ĐẠO CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI:
TOKYO
ASAKUSA JIDAIYA
2-3-5 Kaminarimon, Taito-ku, Tokyo, Japan 111-0034
Thời gian: từ 30 phút trở lên dành cho lớp ít nhất 2 người
Học phí: 2.500 ~ 3.000JPY/người (chưa bao gồm thuế)
Điện thoại: (+81)-3-3843-0890
KYOTO
NPO法人 京都文化企画室 (NPO HOJIN KYOTO BUNKA KIKAKU SHITSU)
1-10 Jodojikoyama-cho, Sakyo-ku, Kyoto, Japan
Điện thoại: (+81)-75-761-8554
Thời gian: khoảng 1,5 giờ dành cho lớp ít nhất 5 người
Học phí: 2.500 ~ 3.000JPY/người
OSAKA
Tearoom SENRIAN 9-2 Senribanpakukoen, Suita-shi, Osaka, Japan 565-0826
Học phí: 500JPY/người
Điện thoại: (+81)-6-4864-9155
Để tìm hiểu thêm thông tin về Cuộc sống thường nhật ở Nhật Bản các bạn có thể qua mục:
Nếu thấy hữu ích các bạn hay Like page Facebook để ủng hộ chúng tôi.