Tu nghiệp sinh Nhật Bản: những câu hỏi thường gặp
Trước, trong và sau quá trình đi tu nghiệp tại Nhật, có rất nhiều vấn đề thắc mắc mà chắc hẳn các bạn tu nghiệp sinh không biết phải hỏi ai. Trong bài viết dưới đây, 360 Nhật Bản xin tổng hợp lại một số câu hỏi thường được các bạn inbox hoặc hỏi trên Group Cộng Đồng Việt Nhật, và câu trả lời theo tìm hiểu của 360 Nhật Bản
1. Đi TNS 3 năm về tiết kiệm được bao nhiêu ?
Để trả lời được câu hỏi này, bạn cần nắm được rõ các khoản thu nhập mà các bạn TNS nhận được hàng tháng (tiền lương cơ bản, tiền làm thêm giờ), các khoản thuế- bảo hiểm phải trả và chi phí sinh hoạt, ăn ở hàng tháng.
Trung bình, sau khi đã trừ đi tất cả các khoản thuế- phí phát sinh và ăn ở tiết kiệm, thì các bạn có thể tiết kiệm được 3- 5 vạn yên/ tháng trên phần lương cơ bản. Nếu tháng nào được làm thêm giờ nhiều (mà mọi người thường gọi là tăng ca nhiều) thì số tiền này có thể lên tới 7~8 vạn yên/tháng. Ngoài ra, sau khi về nước, các bạn có thể nhận lại được khoảng 30 man tiền nenkin (tiền phúc lợi hưu trí) đã đóng trong 3 năm làm việc tại Nhật.
Chi tiết xem thêm tại: Thu nhập và quyền lợi của thực tập sinh
Tìm hiểu thêm về: Cách lấy lại tiền nenkin sau khi về nước
2. TNS có thể bảo lãnh vợ/chồng theo dạng visa gia đình ko?
Rất tiếc, câu trả lời là KHÔNG.
Các loại visa có thể bảo lãnh vợ/chồng (và cả con) sang Nhật theo dạng visa gia đình gồm 「教授」(giáo sư)「芸術」(nghê thuật)「宗教」(tôn giáo)「報道」(truyền thông báo chí)「投資・経営」(đầu tư- kinh doanh)「法律・会計業務」(nghiệp vụ luật- kế toán)「医療」( y tế)「研究」(nghiên cứu)「教育」(giáo dục)「技術」(kĩ thuật)「人文知識・国際業務」(các ngành nghề liên quan tới nghiệp vụ quốc tế- nhân văn)「企業内転勤」(chuyển trụ sở công tác)「技能」(kỹ năng)「文化活動」(hoạt động văn hoá nghệ thuật)「留学」(du học).
※ Phần in đậm là các loại hình visa phổ biến với phần đông người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật.
Bạn có thể nhận thấy, trong số này, không có visa dành cho TNS là 「技能実習生」. Vì vậy, các bạn TNS không thể bảo lãnh vợ/chồng và con sang Nhật sống cùng theo dạng visa gia đình được.
Điều này xuất phát từ nguồn gốc của chế độ thực tập sinh, vốn là chế độ mà Nhật giúp tiếp nhận những người lao động từ nước ngoài vào các công xưởng, nhà máy của mình trong một thời gian nhất định (thông thường là 3 năm) để họ có thể học hỏi kỹ năng, sau này về nước không những nâng cao được trình độ nghề nghiệp của bản thân, mà còn sẽ phát huy năng lực để cống hiến cho sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp nước nhà. Tức là mục đích của các bạn TNS là học hỏi kiến thức- kĩ thuật- kỹ năng càng nhanh càng tốt, chứ vốn không phải là lao động để kiếm thu nhập, nên việc cho phép đón người thân sang sẽ làm chậm tiến độ của việc tiếp thu kiến thức và cũng trái với ý nghĩa ban đầu của chương trình.
Tìm hiểu thêm về: Chương trình thực tập kỹ năng tại Nhật Bản
3. TNS có thể xin giảm thuế cư trú được ko?
Tất nhiên là ĐƯỢC. Xin giảm bớt một phần thuế cư trú phải đóng hàng năm cũng là một cách giúp các bạn tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ để làm vốn sau khi về nước.
Để có thể xin giảm thuế cư trú, bạn cần:
- Đăng ký danh sách người bạn cần phụng dưỡng bằng cách gửi tiền về vào phiếu xin giảm thuế cuối năm mà công ty phát cho có tên gọi là 年末調整(đọc là: ねんまつちょうせい), thường được phát vào tháng 11-12 hàng năm.
- Gửi tiền phụng dưỡng về cho những người này trong năm mà bạn muốn xin giảm thuế (có quan hệ ruột thịt 3 đời như: bố mẹ ruột, bố mẹ vợ, vợ, con, anh chị em,…) và có phiếu chuyển tiền ghi tên của những người bạn đăng ký phụng dưỡng.
4. TNS có thể xin chuyển công ty sau khi sang Nhật được ko?
Câu trả lời là CÓ THỂ, nhưng phải có lý do của việc xin chuyển công ty phải chính đáng và cần thông qua nghiệp đoàn + được sự cho phép của cục xuất nhập cảnh trước khi chuyển.
Lý do chính đáng có thể kể đến ở đây ví dụ như:
- Công ty TNS đang làm bị phá sản và không thể tiếp tục tiếp nhận TNS được nữa
- Công ty TNS đang làm có những hành vi bất chính như: không trả đủ lương trong nhiều tháng liền, ngược đãi TNS,…
- Lý do bất khả kháng của TNS: Có trường hợp TNS sang xưởng hàn nhưng khi làm một thời gian thì phát hiện bị dị ứng ngày càng nặng với kim một chất có trong xưởng và việc tiếp tục làm tại đây sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ TNS –> sau khi nghiệp đoàn xem xét và trình lên cục XNC thì bạn này cũng được phép chuyển sang một công ty khác do nghiệp đoàn bố trí.
Còn nếu chỉ với các lý do đơn thuần như so công việc vất vả, ít giờ tăng ca, ….thì sẽ không được chấp nhận chuyển công ty. Ngoài ra, mọi sự thay đổi về công ty tiếp nhận đều phải thông qua nghiệp đoàn và đều phải được sự cho phép của cục xuất nhập cảnh trước khi chuyển. Việc TNS tự ý chuyển là vi phạm pháp luật và có thể bị trục xuất về nước.
5. Làm thế nào để học tốt tiếng Nhật khi ko có môi trường học?
Ngoài phần tiền tiết kiệm được sau 3 năm đi làm tại Nhật, thì vốn tiếng Nhật tích luỹ được sau 3 năm ở Nhật cũng sẽ trở thành một tài sản vô cùng quý giá đối với các bạn TNS sau khi về nước, giúp các bạn có cơ hội làm việc tốt hơn tại các công ty liên quan tới Nhật Bản.
Tuy nhiên, do hạn chế về môi trường học, do công việc vất vả nên đi làm về rất mệt,…khiến cho việc học tốt tiếng Nhật luôn là một câu hỏi làm đau đầu các bạn TNS.
Đối với việc học ngoại ngữ, nếu bạn không có tâm thế sẵn sàng để tìm hiểu và đón nhận kiến thức mới thì khó có thể tiếp thu. Và cũng nên xác định ngay từ đầu, việc học tiếng Nhật không chỉ giúp chúng ta có thêm “vốn” để sau này về nước có thể sử dụng và phát huy, mà còn giúp cuộc sống ở Nhật thêm phần ý ngĩa hơn.
Quãng đường 3 năm tu nghiệp tại Nhật không phải là dài nhưng cũng đủ để các bạn có một lượng kiến thức khá lớn nếu như các bạn có được một sự định hướng rõ ràng ngay từ đầu cho bản thân. Xác định được mục tiêu, các bạn sẽ có động lực để cố gắng và hoàn thành nó!
“Tôi sẽ lấy N2 sau 3 năm đi tu nghiệp”- nếu bạn tự nhủ mình mỗi ngày như vậy, thì hãy vạch ngay cho mình 1 lộ trình học tập ngay đi thôi. Dĩ nhiên là tùy theo năng lực, trình độ và thời điểm mà lộ trình của bạn cần phải thay đổi cho phù hợp.
* Học như thế nào
Khi xác định được mục tiêu thì việc tìm cho mình một phương pháp và lộ trình học phù hợp với bản thân rất quan trọng.
Giả dụ với bản thân mình, hồi còn ở Việt Nam khi mới bắt đầu học tiếng Nhật thì đầu tiên mình tập trung học từ vựng về danh từ, động từ, tính từ … Sau khi đã có được một lượng kiến thức nhất định rồi thì mới bắt đầu được học ngữ pháp Mina. Song song với quá trình đó, mình chủ động tìm kiếm thông tin và biết được rằng tiếng Nhật có sử dụng cả chữ Hán nữa. Vậy là kể từ đó cho tới tận 1 năm rưỡi về sau khi mình đã qua Nhật rồi, mình chỉ chú tâm vào học và chơi với những con chữ thú vị ấy.
Chữ Hán đã giúp mình rất nhiều trong việc nâng cao trình độ, vì bản thân là người Việt nên nếu có cách học phù hợp, học chữ Hán sẽ giúp bạn giảm bớt rất nhiều thời gian. Học chữ Hán không đơn thuần là chỉ học mỗi chữ Hán, mà còn là cả một núi từ vựng đi kèm, cộng với việc tư duy ngôn ngữ của bạn được rèn luyện khi mà phải liên hệ giữa Nhật ngữ -Việt ngữ bằng cây cầu nối chữ Hán.
Tu nghiệp sinh có thêm một lơi thế so với DHS, đặc biệt với các bạn TNS xây dựng, đó là khi đi làm, bất cứ lúc nào cũng có người Nhật để trò chuyện, hãy nắm lấy cơ hội này , vì đó chính là hòn đá mài giũa cho năng lực của bạn. Hãy cố gắng giao tiếp, trò chuyện thật nhiều vào, vì nó sẽ giúp bạn. Thứ nhất là cải thiện được trình độ chém gió, tốc độ vận hành của não. Thứ 2, giúp bạn rút ngắn được thời gian đọc sách, tìm hiểu cách sử dụng ngôn ngữ của người bản địa, những kiến thức mà cho dù bạn tìm mỏi mắt trong các sách tư liệu, cũng chưa chắc đã có được.
Được làm việc cùng với người Nhật như có được cuốn từ điển sống bên cạnh vậy. bản thân mình thường gặp những từ vựng khó mà tìm mãi không ra, nhưng chỉ cần hỏi người nhật một câu thôi, họ sẽ tìm cách giải thích cho mình, và đặc biệt những từ vựng ấy thường nhớ rất lâu.
Với những bạn đi làm nhà máy, không có môi trường giao tiếp thì các bạn chịu khó xem phim, nghe nhạc, nghe đài. Tuy đó là cách rèn luyện thụ động, nhưng ít hay nhiều, nó sẽ giúp khả năng sử dụng ngôn ngữ của các bạn tiến bộ lên đó!
Ngoài ra, ở Nhật cũng có nhiều lớp dạy tiếng Nhật miễn phí do người Nhật mở ra, nếu có thể các bạn hãy tìm các lớp như vậy ở địa phương mình nhé, có thể sẽ giúp được các bạn rất nhiều đấy!
Có rất nhiều bạn nhắn tin chia sẻ với mình những câu đại loại như “ Anh ơi em muốn học tiếng Nhật lắm mà không biết phải bắt đầu từ đâu?”, “Anh ơi em muốn học lắm nhưng mà khó quá thành ra lười “…. Thì xin thưa với các bạn rằng, con đường học tập vốn rất dài và rộng, nếu các bạn không biết bắt đầu từ đâu thì hãy bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất. Mỗi ngày hãy chủ động đặt ra mục tiêu cho mình – học bao nhiêu từ vựng , bao nhiêu chữ hán 1 ngày…Tùy theo khả năng của mình, dù ít cũng được nhưng hãy cố duy trì đều đặn, qua thời gian nó sẽ trở nên là một con số đáng kể. Tóm lại chỉ sợ các bạn không học, chứ nếu muốn học thì ít hay nhiều khả năng của các bạn vẫn sẽ tiến bộ. Nên nhớ rằng con đường học tập, và nhất là học ngôn ngữ, vốn là một hành trình dài mà người học phải nhặt nhạnh tích cóp từng chút một mới có được thành quả.
Qua bài viết này, mình đã chia sẻ một chút kinh nghiệm mà mình đã đúc kết được, hi vọng sẽ giúp được các bạn phần nào đó trong quá trình học tập đầy chông gai thử thách này. Chúc các bạn thành công !
6. Trong trường hợp rủi ro phải về nước trước thời hạn, có lấy lại được tiền ký quỹ chống trốn không?
Về mặt lý thuyết là CÓ.
Trong trường hợp rủi ro phải về nước trước thời hạn như: tu nghiệp sinh bị bệnh không thể tiếp tục làm việc, hoặc công ty phá sản và không thể tiếp tục tiếp nhận tu nghiệp sinh, thì về mặt lý thuyết, các bạn vẫn có thể lấy lại được tiền ký quỹ chống trốn đã nộp trước khi sang Nhật.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc có hoàn trả không và hoàn trả bao nhiêu là tùy vào “cái tâm” của công ty môi giới đã đưa bạn đi. Và tuy có được hoàn trả lại khoản tiền này, nhưng thực chất số thu nhập dự tính sẽ thu được sau 3 năm của bạn sẽ bị giảm đáng kể nếu phải về nước sớm trước dự định, ảnh hưởng đến khả năng chi trả cho phần tiền còn vay của bạn. Vì vậy, hãy đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng sức khỏe của bạn trước khi sang Nhật, để không gặp sự cố đáng tiếc khiến mình phải về nước sớm nhé.
7. Nếu được công ty khác tiếp nhận, tu nghiệp sinh có thể chuyển sang visa kỹ sư mà không cần về nước không?
Câu trả lời là KHÔNG.
Như mình đã từng đề cập tới trước đây, tu nghiệp sinh vốn là những người được cử đi hợp tác lao động để học hỏi kĩ thuật, sau đó phải sử dụng những kĩ thuật đó để phục vụ tại Việt Nam. Vì thế, về mặt lý thuyết, các bạn TNS sau khi đi tu nghiệp xong phải về nước làm một công việc liên quan đến ngành đã tu nghiệp ở Nhật thì mới coi như chính thức hoàn thành xong chương trình tu nghiệp. Do vậy, dù được công ty khác (hoặc công ty của mình đang làm) đồng ý tiếp nhận vào làm nhân viên chính thức, các bạn vẫn không thể chuyển trực tiếp sang visa kỹ sư để ở lại Nhật được.
Muốn quay lại Nhật dưới dạng kỹ sư, các bạn cần về nước từ 6 tháng tới 1 năm, sau đó tìm đường quay lại Nhật theo dạng kỹ sư hoặc du học rồi xin việc để chuyển sang visa kỹ sư. Tuy nhiên, việc xét hồ sơ lần 2 này sẽ khó khăn hơn so với các bạn chưa từng đi trước đó.
8. Tu nghiệp sinh có thể chuyển sang visa phụ thuộc theo vợ/chồng luôn mà không cần phải về nước không?
Về cơ bản là KHÔNG. Tương tự như trường hợp đã được đề cập tới ở câu số 7, do đặc điểm của chế độ tu nghiệp sinh,mà các bạn tu nghiệp sinh sau khi kết thúc hợp đồng buộc phải về nước một thời gian rồi mới có thể quay lại Nhật theo cách khác, và trường hợp này cũng không phải là ngoại lệ.
Rất hiếm trường hợp xin được trực tiếp ở Nhật, trừ khi có lý do đặc biệt (ví dụ như đang có bầu sắp tới ngày sinh và không thể về nước do lý do sức khỏe,..),.. Tốt nhất, để nâng cao khả năng đỗ visa khi xin chuyển sang visa phụ thuộc, các bạn nên về nước tầm 6 tháng ~ 1 năm rồi mới làm hồ sơ xin sang lại.
9. Tu nghiệp sinh sau khi về nước có thể quay lại Nhật du học không?
CÓ THỂ. Tuy vậy, bạn cần về nước tầm 1 năm rồi mới nên làm hồ sơ để quay lại thì khả năng đậu visa sẽ cao hơn.
Khi làm hồ sơ bạn phải hết sức cẩn thận để không có sự sai lệch trong hồ sơ giữa hai lần xin visa. Đặc biệt là các bạn đã tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam, khi khai hồ sơ đi tu nghiệp lần 1 nên kiểm tra kĩ, tránh việc bị các công ty môi giới tự ý khai lại bằng cấp của mình (ví dụ tự ý chuyển từ tốt nghiệp ĐH thành tốt nghiệp PTTH,..).
Xem thêm: Điều kiện đi du học cho các bạn tu nghiệp sinh về nước
10. Có thể lấy lại được 100% tiền nenkin sau khi về nước ko
Bạn hoàn toàn có thể lấy lại được gần như 100% số tiền nenkin đã đóng trong thời gian ở Nhật nếu biết cách làm thủ tục mà không hề mất một đồng lệ phí nào.
Cách lấy lại tiền nenkin lần 1 (80%) và lần 2(20% còn lại) đã được hướng dẫn chi tiết trong 2 bài viết trên 360 Nhật Bản mời các bạn tham khảo.
Nguồn:tomonivi
Xem chi tiết: Cách lấy lại tiền nenkin sau khi về nước