Doanh nghiệp Nhật đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam
Các doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi, trồng, chế biến thuỷ hải sản… cho đối tác Việt Nam, hoặc hợp tác sản xuất, để có thể đưa sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật khó tính.
TÌM HIỂU THÊM VỀ: CEO Nhật đánh giá kỹ sư CNTT Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Minh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực rất tiềm năng, vẫn còn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư phát triển.
“Chính phủ đang chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ông Minh nói, đánh giá triển vọng phát triển lạc quan của nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản hiện chưa đầu tư nhiều vào nông nghiệp Việt Nam dù họ có lợi thế về tài chính, công nghệ cao, thị trường tiêu thụ… Nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư gặp rào cản từ chính sách, khiến nguồn vốn chảy lĩnh vực này còn ít.
“Nếu muốn thu hút đông doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam thì cần giải quyết các vấn đề về đất đai, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính nhanh hơn, ông Hiroshi Chishima nhấn mạnh.
Theo đánh giá của JETRO, ngành nông nghiệp Việt Nam có triển vọng phát triển, song lâu nay vẫn chỉ duy trì quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa ứng dụng công nghệ cao, canh tác hiện đại. Khi nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách hỗ trợ, tín dụng thì nông nghiệp công nghệ cao mới có bứt phá được.
Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện số lượng doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam ngày càng tăng. Đơn cử, tập đoàn Kato đang hợp tác với tỉnh Bình Định thực hiện một dự án trị giá hơn 770.000 USD về đánh bắt cá ngừ, kéo dài từ nay đến năm 2020. Công ty Shudensha đang triển khai một dự án trị giá 820.000 USD nhằm cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản. Dự án này đã được thực hiện từ năm 2015 và kéo dài đến năm 2020. Hay công ty OTA Kaki đầu tư dự án phát triển thị trường hoa chất lượng cao, với hệ thống phân phối hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng…
Từ những thành quả khả quan gặt hái được, theo ông Hiroshi, nhiều doanh nghiệp Nhật rất hào hứng và sẽ quyết định đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam trong tương lai gần, liên quan đến các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, hạt giống, làm nhà kính… Điều này sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho nông nghiệp Việt Nam.
Với sự hạn chế về quy mô sản xuất nông nghiệp và cơ hội khi gia nhập TPP mở ra, đại diện Công ty Seiko Ideas cho hay, Nhật Bản tìm kiếm một đối tác chủ chốt để phát triển hợp tác nông nghiệp. Và Việt Nam cũng đang rất cần có đối tác lớn để hợp tác trong lĩnh vực này, để khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Về phía doanh nghiệp Nhật, họ sẽ xuất khẩu nông sản làm ra tại Việt Nam về nước để hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, có thể đáp ứng được điều kiện quy định trong TPP là các sản phẩm xuất khẩu phải có 70% hàm lượng nguyên liệu xuất xứ từ nội khối TPP.
Theo:Bản tin thời sự VTV